fbpx

Admin

Cẩm nang du lịch, Tin tức - 06/09/2022 - 390 Lượt xem

Cẩm nang du lịch Pù Luông Thanh Hóa đầy đủ từ A – Z

✅Cẩm nang du lịch Pù Luông Thanh Hóa đầy đủ từ A – Z

✅Bạn muốn rời xa cái nắng nóng oi ả nơi thành thị ồn ào và tạm quên đi những mệt mỏi của cuộc sống bon chen, xô bồ ? Không cần phải đi đến những vùng đất Tây Bắc xa xôi, chỉ cần tới Pù Luông Thanh Hóa, bạn đã có thể đắm chìm trong một thiên nhiên hoang sơ của núi rừng, hít thở bầu không khí trong lành mát dịu và chiêm ngưỡng tất cả nét đẹp dung dị hòa quyện với mây trời. Cẩm nang du lịch Pù Luông Thanh Hóa dưới đây chắc chắn sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ những kinh nghiệm và thông tin cần thiết để có một kỳ nghỉ cuối tuần tuyệt vời cùng gia đình, bạn bè.

✅1. Giới thiệu về Pù Luông Thanh Hóa

Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 130 km về phía Tây Bắc.

Với diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú, Pù Luông gây ấn tượng với du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng rậm nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang cùng với cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi. Đây là điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai yêu thiên nhiên và muốn khám phá những vùng đất mới.

Say lòng với Pù Luông – Góc ẩn mình của thiên nhiên xứ Thanh

Ba địa điểm có tiềm năng lớn để khai thác thành khu nghỉ mát tại đây là Bản Đôn nơi có di sản ruộng bậc thang đẹp nhất Pù Luông, Son Bá Mười (xã Lũng Cao) và đỉnh Pù Luông cao 1.700 m tại khu vực xã Thành Sơn. Ngoài ra xung quanh Pù Luông còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Bản Lác (Mai Châu), suối Cá Thần Cẩm Lương, Rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa),… tạo thành tuyến hành trình du lịch hấp dẫn.

✅2. Nên đi Pù Luông Thanh Hóa vào thời điểm nào?

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm bắt đầu vụ lúa mới, khắp những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, khung cảnh vô cùng đẹp mắt và thanh bình. Thời gian này tuy là mùa hè ở Thanh Hóa nhưng Pù Luông lại thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh sống nên thời tiết và khí hậu ở đây giữa những ngày hè vẫn khá mát mẻ và dễ chịu.

Tháng 9 và tháng 10 là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Đây cũng chính là khoảng thời gian Pù Luông đẹp nhất và thu hút vô số du khách tới tham quan.

Pù Luông mùa lúa chín – đẹp quên lối về

Nếu không thể đến Pù Luông vào tháng 6 hoặc tháng 10 thì bạn cũng có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm để thư giãn cùng không gian mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở một số bản vùng cao.

✅3. Cách di chuyển đến Pù Luông Thanh Hóa

Bản đồ đi Pù Luông

3.1. Phương tiện xe 16 chỗ Limousine/Xe 16 chỗ/ 7 chỗ đón tại nhà

Hiện nay có các phương tiện xe 16 hoặc 7 chỗ hiện đại và tiện nghi đón khách tại nhà tại nội thành Hà Nội / TP Thanh Hóa / Sân bay Sao Vàng. Và đưa khách thẳng đến Pù Luông. Quý khách có thể liên lạc theo số Hotline của Trust Viet để đặt xe: ☎️Hotline: 0919262219 | 0985816525


3.2. Phương tiện công cộng

Không có các tuyến xe khách trực tiếp tới Pù Luông nên nếu các bạn muốn sử dụng phương tiện công cộng để tới đây, sẽ khá vất vả. Muốn bắt xe khách đi Pù Luông Thanh Hóa, các bạn sẽ phải sử dụng kết hợp giữa nhiều loại phương tiện với nhau. 

Từ Hà Nội, các bạn có thể bắt xe đi Bá Thước (Thị trấn Cành Nàng), thường các xe chỉ đến trung tâm huyện, từ đây còn khoảng gần 20 km mới đến được Pù Luông, các bạn có thể thuê xe ôm để vào đây. Từ bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình có xe của nhà xe Hoàng Phương (0973737778) đi Bá Thước hàng ngày.

Từ TP Thanh Hóa, Quý khách có thể đón xe Mạnh Tân ở BX Phía Tây hoặc gọi đặt xe đón ở ngã tư Sân bay Thọ Xuân qua số nhà xe 0936148345 hoặc ☎️Hotline Trust Viet hỗ trợ: 0919262219 | 0985816525

3.3. Phương tiện cá nhân

Cách thuận tiện và nhanh nhất để di chuyển tới Pù Luông là bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) nếu bạn xuất phát từ Hà Nội hoặc một số tỉnh lân cận phía Bắc. 
Đường 1: Dễ đi và nhanh nhất.

+ Đi lối quốc lộ 6 đến thị trấn Xuân Mai, rẽ trái vào đường mòn HCM.
+ Đi qua địa phận Cúc Phương đến Thị trấn Cẩm Thủy. Qua cầu Cẩm Thủy khoảng 700m thì rẽ phải lối đi Na Mèo.
+ Đi theo đường đó đến thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước thì rẽ phải vào cầu La Hán. Còn 17km nữa là đến bản Đôn – trung tâm của Pù Luông. Ở bản Đôn hiện nay có nhiều resort đẳng cấp và homestay sạch sẽ tiện nghi nhất Pù Luông.
Đường 2: Đi qua Mai Châu
Từ điểm xuất phát tới Pù Luông, bạn nên đi theo một cung đường vòng tròn (đi một đường và về một đường khác) để tránh lặp lại đường đi cũ. Từ Hà Nội, đi theo đường QL6 hướng Hòa Bình, lựa chọn một trong hai đường qua thung lũng mây Lũng Vân hoặc qua Bản Lác, Mai Châu rồi tới Pù Luông.
Đường 3: Đường cảnh đẹp nhất nhưng nhiều dốc khó đi.
Con đường đi qua Lũng Vân là con đường nhỏ với đèo dốc quanh co giống địa hình của các tỉnh phía Tây Bắc, cảnh sắc 2 bên đường hùng vĩ và hoang sơ. Trên đường đi Pù Luông Thanh Hoá, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt vời, những vạt mây ôm trọn lấy thân núi hay lớp sương sớm mơ hồ huyền ảo dưới thung lũng. Quãng đường đi khoảng 200km, thời gian di chuyển đường đèo rơi vào 4 – 5 tiếng.

Khi về từ Pù Luông các bạn đi theo QL15C và QL217 về Suối cá thần Cẩm Lương, từ đây chạy men theo đường Hồ Chí Minh, đến ngã tư Xuân Mai (QL6) về Hà Nội. Đường này tuy xa hơn nhưng đi lại dễ hơn và cũng là một cung đường khá đẹp, thoáng mát để ngắm cảnh. Trên đường đi về, nếu có thời gian bạn có thể kết hợp tham quan và khám phá Vườn quốc gia Cúc Phương.

Vì khung cảnh trên đường đi khá đẹp, cũng để trải nghiệm cảm giác mạnh, hầu hết dân phượt sẽ chọn đi xe máy, chủ động hơn và cũng để trải nghiệm cảm giác “phê” trên những cung đường đèo khi đi Pù Luông. 

Xe máy là phương tiện thích hợp nhất để phượt Pù Luông Thanh Hóa

Nếu đi từ các điểm TP Thanh Hóa có 2 hướng di chuyển

1/ Từ Thành Phố đi hướng 217

Quý khách có thể di chuyển từ Thành phố đi theo QL 45 hướng Yên Định – Vĩnh Lộc – Cẩm Thủy – Thị Trấn Cành Nàng, Qua cầu La Hán về trung tâm Pù Luông 130km

2/ Từ Thành phố đi hướng sân bay Sao Vàng – Lang Chánh

Quý khách di chuyển theo hướng sân bay Sao Vàng, rẻ theo TT Lam sơn Ngọc Lặc theo đường QL15, tới Ngã 3 Đồng Tâm rẻ phải về TT Cành Nàng và hướng về trung tâm Pù Luông 130km

Cách đi đến Pù Luông từ Sài Gòn / Cách đến pù Luông từ sân bay

Bạn đặt các chuyến bay về Sân bay Sao vàng vào buổi sáng sớm hoặc trưa có thể đi taxi (nhóm 3-4 người) hoặc thuê xe nếu nhóm nhiều hơn. Có thể đi xe Mạnh tân ở trên (chỉ đến được ngã 3 làng tôm). Vì Sân bay cách Pù Luông khoảng 80km về phía Đông Nam, nên thời gian di chuyển cần 2 tiếng tới 2 tiếng 15 phút. Nếu bạn hạ cánh trễ, nên dùng cơm trưa và di chuyển lên Pù Luông kẻo đói.

Lưu ý các chuyến bay nên đặt bay tới sớm, và về thì sau 15h vì quảng đường di chuyển từ Pù luông ra sân bay có thể mất 2 tiếng hoặc hơn, cần bù trừ thời gian để có thể tới không nhỡ chuyến bay.

Có thể liên hệ Trust Viet hỗ trợ xe, tour ghép, các dịch vụ nếu cần ☎️Hotline: 0919262219 | 0985816525

✅4. Pù Luông Thanh Hóa có gì chơi? – Cảnh đẹp Pù Luông Thanh Hóa

4.1. Bản Kho Mường – Hang Dơi

Trên hành trình lên đỉnh Pù Luông hùng vĩ, có một thung lũng rất đỗi nguyên sơ và mộc mạc mang tên Kho Mường. Đây là một trong những bản vùng cao, khó khăn nhất của xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nhưng lại có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.

Đường vào Kho Mường là những cung ngoằn nghèo khúc khuỷu vì đang xây dựng dở dang. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, những cánh rừng ngút ngàn. Đây là nơi sinh sống của 60 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Thái trắng, với 230 nhân khẩu. Người dân trong bản sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô, sắn… Cuộc sống trong bản đa phần là tự cung tự cấp. Nhờ vào nguồn tài nguyên được thiên nhiên ưu ái ban tặng, người dân đã biết xây dựng những ngôi nhà sàn khang trang để đón khách du lịch đến tham quan.

Vẻ đẹp mùa vàng ở Bản Kho Mường

Đến với Kho Mường, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của người Thái, hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như: cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu ngô, kiệu muối chua và thịt vịt luộc…

Một điểm nhấn quan trọng của Bản Kho Mường chính là Hang Kho Mường hay còn gọi là Hang Dơi – hang động bí hiểm bị bỏ quên giữa vùng đấy còn yên ngủ. Lối vào hang là con đường đất cheo leo được cây rừng phủ kín. Từ ngoài vào, Hang Dơi chỉ tầm hơn 100m nhưng lòng hang rộng tới hơn 2.5 km, với rất nhiều ngóc ngách ăn sâu vào lòng đất. Làm nên Hang Kho Mường là những khối đá vôi sừng sững, có lẽ tuổi đời phải hàng triệu năm.

Hang Kho Mường là một trong số hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Hang Kho Mường sở dĩ còn được gọi là Hang Dơi vì đây là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, ít nhất có 4 loài dơi được tìm thấy trong hang này ở các thời điểm khác nhau của năm. Càng đi sâu vào trong hang, du khách sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những khối đá, nhũ đá với những hình thù kì lạ như hình người, hình cây, mãnh thú… đủ các màu sắc khác nhau, mờ mờ ảo ảo, tất cả hiện lên vô cùng sống động và đặc sắc.

4.2. Bản Hiêu – Thác Hiêu

Bản Hiêu và Thác Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Đến Pù Luông mùa lúa chín, bạn sẽ ngỡ ngàng với con đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến Bản Hiêu bởi hai bên đường là những cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Qua khỏi cầu treo bằng gỗ là vào bản.

Vẻ đẹp yên bình của Bản Hiêu

Bản có hơn một trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Những nóc nhà sàn đan xen với các ghềnh thác tạo nên một khung cảnh suối thác – nhà sàn đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Cả khúc suối tính từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng mang một nét đẹp riêng không thác nào giống thác nào. Vì vậy, người dân trong bản gọi chung tất cả những thác nước ấy là “Thác Hiêu” và gọi con suối ấy một cách thân thương là “Dòng Hiêu” chứ không gọi là “Suối Hiêu” như cách thông thường.

Thác Hiêu và dòng suối Hiêu bắt nguồn từ hang đá thuộc dãy núi đá vôi của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông – Cúc Phương, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh. Chiều dài dòng thác khoảng 800 m. Nếu nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng. Theo người dân trong vùng, dòng suối thác Hiêu chảy không bao giờ cạn, luôn có màu trong xanh quanh năm, mát lạnh về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên tạo của Thác Hiêu giữa mây ngàn

Phía cuối Thác Hiêu là một hồ nước nhỏ, mực nước ở đây chỉ hơn 1m, dưới đáy là cát tạo thành một hồ bơi tự nhiên cho du khách thỏa sức vẫy vùng sau khi khám phá lên đỉnh Thác Hiêu.

4.3. Bản Son – Bá – Mười

Son – Bá – Mười là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao. Nơi này cách trung tâm thành phố khoảng 130 km về phía Tây Bắc và được ví như một Sapa thu nhỏ vì khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, nhiệt độ từ 18-22 độ. Tuy nhiên vì là vùng núi cao nên vào mùa đông, nơi đây khá lạnh đôi khi có tuyết rơi, nhiệt độ có khi xuống đến -1, -2 độ; mùa hè nhiệt độ mát mẻ nhưng về đêm thì nhiệt độ xuống rất thấp. 

Son – Bá – Mười còn được gọi với cái tên khác là khu Cao Sơn, thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông của Hòa Bình. Đúng với cái tên Cao Sơn, các bản làng này nằm tận trên đỉnh của dãy Pha Hé, Pha Chiến, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, chạy song song với mạch núi Pù Luông – Cúc Phương hùng vĩ. 

Check-in tại đường vào bản Son – Bá – Mười

Nằm ở độ cao như vậy, cộng thêm đường lên bản rất khó khăn nên Son – Bá – Mười gần như tách biệt hoàn toàn với các bản làng phía dưới chân núi. Điều này tạo sự hoang sơ rất tự nhiên cho Son – Bá – Mười cũng như rất hấp dẫn rất những ai yêu thích du lịch mạo hiểm. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được nhiều tập tục của người Thái cổ, nhà sàn còn giữ nguyên dấu ấn truyền thống, thể hiện rõ nét đặc thù chưa bị ảnh hưởng bởi những kiến trúc hiện đại từ bên ngoài pha tạp vào.

4.4. Bản Đôn (Xã Thành Lâm) 

Bản Đôn là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái gồm 76 hộ và 285 nhân khẩu với tổng diện tích tự nhiên trên 125 ha của xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). Khoảng 2 năm trở lại đây, khách du lịch đến với Bản Đôn ngày một nhiều, trong đó khách quốc tế chiếm tới 60%.

Ruộng bậc thang ở Bản Đôn

Bản Đôn sở hữu cảnh đẹp hoang sơ, với những thửa ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi thanh bình yên tĩnh. Ấn tượng hơn nữa, khi đến Bản Đôn, du khách sẽ được học cách dệt vải, thưởng thức nhiều hương vị, đặc sản vùng cao như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, canh cá… và hơn cả là sự chân thành, nồng nhiệt của người dân địa phương.

Từ Bản Đôn, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe máy để di chuyển đến các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Bá Thước như Bản Hiêu (có Thác Hiêu), bản Kho Mường (khám phá Hang Dơi)…

4.5. Check-in đỉnh núi Pù Luông 

Được ví như “thiên đường giữa đại ngàn”, Pù Luông sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ quanh năm mây mù giăng kín. Nếu ai thức dậy vào sáng sớm, nhìn qua khung cửa sổ sẽ thấy từng khóm mây trôi trên đỉnh Pù Luông, có khi mây bay là là lướt nhẹ qua mặt. Mây và núi hoà quyện vào nhau, hư hư thực thực, mọi thứ dường như không chuyển động, chỉ có duy nhất sự tĩnh lặng tuyệt đối của núi rừng.

Bình minh trên đỉnh Pù Luông

Nếu bạn là người ưa thích mạo hiểm, có lẽ việc chinh phục đỉnh núi cao 1.700m so với mực nước biển là trải nghiệm thú vị nhất ở Pù Luông. Bạn sẽ mất khoảng 6-8 tiếng trong điều kiện thời tiết tốt để có thể lên đến đỉnh. Nhưng khi lên tới nơi bạn sẽ hoàn toàn bị choáng ngợp bởi phong cảnh của núi rừng, những cánh đồng bạt ngàn, đâu đó lấp ló những mái nhà sàn nằm lác đác trong thung lũng dưới chân núi.

Trên đỉnh Pù Luông, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác chiến thắng khi chinh phục đỉnh vinh quang. Ngoài ra, các bạn có thể dựng trại trên đỉnh để ăn uống nghỉ ngơi qua đêm và xuống núi vào hôm sau.

4.6. Chợ phiên Phố Đoàn

Nếu bạn có dịp tới đây vào thứ năm hay chủ nhật hàng tuần thì nhất định phải tham gia phiên chợ Phố Đoàn – nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán những sản vật của người dân tộc Kinh, Mường, Thái ở các xã quanh vùng cùng người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn… tỉnh Hòa Bình.

Chợ phiên Phố Đoàn mang nét đặc trưng của phiên chợ vùng cao với các mặt hàng tự cung tự cấp là chủ yếu. Hàng hóa tuy đơn sơ nhưng khá phong phú về chủng loại với những sản vật như: trang phục thổ cẩm, rượu cần, các loại rau rừng, côn trùng, hoa quả tươi…

Chợ phiên Phố Đoàn còn nhiều nét đơn sơ, mang đậm chất vùng cao phía tây Thanh Hóa

Điều làm nên sức hút cho khách du lịch khi tới chợ là nét văn hóa độc đáo mua bán trao đổi hàng hóa ngang giá trị. Đôi khi, họ không giao dịch bằng tiền, chẳng hạn một con gà có thể đổi lấy hai chục trứng với mớ rau mà hai bên đều thấy thoải mái, vui vẻ. Chỉ cần “ưng cái bụng” là mua ngay, ít khi thấy trả giá, đòi thách.

4.7. Thác Muốn (Xã Điền Quang)

Cách thành phố Thanh Hóa chừng 100 km, theo Quốc lộ 217 ngược lên miền non cao, du khách sẽ gặp Thác Muốn, còn gọi là Thác Mơ kỳ thú và thơ mộng. Thác Muốn nằm ở độ cao 500 m so với mực nước biển, chảy từ các khe núi đá trên đỉnh núi Muốn có độ cao hơn 300m. Thác Muốn chảy vào lòng một thung lũng rộng vài ha, rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau như hình bậc thang.

Trườn qua 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp khác nhau với chỉ toàn đá, nước và cây rừng trùm kín, dòng suối đổ ra sông Đại Lạn nhập vào dòng Mã Giang hùng vĩ. Điều đặc biệt thú vị khi du khách đến với Thác Mơ là có thể trèo lên 43 tầng thác mà không cần phải bỏ dép bởi loại đá ở đây là đá cát (giống như đá mài), mòn nhẵn nhưng không hề trơn, đổ ra biển rộng.

Dòng nước Thác Muốn thật hiền hòa như mái tóc người thiếu nữ dân tộc

Bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của Thác Muốn, du khách hãy thả hồn mình bay bổng theo truyền thuyết về tình yêu của đôi trai tài gái sắc. Gặp gỡ, chuyện trò với người dân tộc Mường nơi đây, nhân hậu, rộng lòng mến khách, ở lại và sinh hoạt với người dân bản địa trong nếp nhà sàn truyền thống, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, thưởng thức rượu cần và văn hoá ẩm thực xứ Mường.

✅5. Khách sạn, resort, homestay ở Pù Luông Thanh Hóa

Pù Luông không có khách sạn, hình thức lưu trú chủ yếu ở đây là homestay. Homestay đa phần nằm ở địa bàn các xã Cổ Lũng, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao của huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Các homestay có phòng ngủ tập thể, giá khoảng 100.000 – 150.000 đồng/người/đêm. Các bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và thưởng thức các món ăn đặc sản do chính người dân ở đây chuẩn bị.

Gần đây ở Pù Luông đã có những khu resort được xây dựng để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ lưu trú chuyên nghiệp với chất lượng được đánh giá cao. Tuy nhiên, nếu nghỉ ở những khu resort này thì giá phòng khá cao, khoảng từ 1-3 triệu đồng/đêm tùy từng hạng phòng.

5.1.Resort ở Pù Luông Thanh Hóa

✅Puluong Natura Bungalow: Với thế mạnh là khu nghỉ dưỡng giữa lòng thiên nhiên nằm trong khu bảo tồn hoang sơ nhất miền Bắc, ấn tượng riêng biệt độc đáo trong từng kiến trúc, Puluong Natura là một khu nghỉ dưỡng lí tưởng để trở về với thiên nhiên.
Tọa lạc tại Bản Đôn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, khu resort có diện tích hơn 1800m2, bể bơi vô độc đáo nhất Việt Nam cùng những bungalow ngay sát mép ruộng bậc thang, du khách sẽ được đắm chìm với cảnh vật của thiên nhiên mộc mạc mà tinh khiết, gần gũi mà bao la.

Puluong Retreat: Tọa lạc ở khu vực khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Puluong Retreat cung cấp chỗ nghỉ thanh bình giữa khung cảnh cây xanh tươi tốt và thiên nhiên.
Nơi nghỉ này có hồ bơi vô cực ngoài trời, nhà hàng và khu vườn với các khối đá tạo cảnh. Du khách có thể ngắm nhìn các ngọn núi và ruộng lúa từ nơi nghỉ này.

Ecogarden Resort, Casa Resort, Bocbandi resort, Jungle lodge, The palm homestay, Pù Luông Ecologe, Pù Luông ohayo,…

5.2. Homestay ở Pù Luông Thanh Hóa

Pù Luông khá rộng, tùy thuộc vào hành trình của đoàn mình mà các bạn có thể chọn một trong các bản của người dân ở đây làm địa điểm lưu trú chính. Có 30 Homestay với phòng riêng dao động từ 300k – 600k/1 đêm, ngủ nhà sàn tập thể 120-150k/1 người đã được bà con đầu tư mới sạch sẽ, với vệ sinh chung, nướng nóng vào mùa đông.

Vùng lõi Pù Luông không có nhiều chỗ nghỉ, vào mùa cao điểm du lịch chỗ nghỉ ở Pù Luông thường hết phòng, bạn nên đặt phòng sớm để có nhiều lựa chọn và giá tốt.

Ngoài khu vực vùng lõi bạn có thể lưu trú ở Mai Châu, từ Mai Châu đi đến Pù Luông khá gần nhau. Ở Mai Châu có nhiều khách sạn và resort cho bạn nghỉ, từ Mai Châu bạn có thể đi xe máy hoặc đi ô tô vào trong Pù Luông để tham quan rồi quay lại Mai Châu nghỉ ngơi.

✅6. Ăn gì ở Pù Luông Thanh Hóa ?

Ở Pù Luông, dịch vụ du lịch chưa phát triển nhiều nên không có nhiều quán ăn, khách du lịch ở Pù Luông chủ yếu đặt cơm ngay tại chỗ nghỉ, các nhà nghỉ ở Pù Luông đều cung cấp đầy đủ dịch vụ ăn uống. Người dân sẽ chuẩn bị tất cả những món ăn này theo số lượng đoàn của bạn, các loại thịt cá được bày ra mâm trên những khay lá (cỗ lá), ăn kèm có thể là cơm hoặc xôi nếp. Ẩm thực Pù Luông sẽ mang những đặc trưng rõ nét của ẩm thực Thái với các món nướng, món đồ, với các loại gia vị mang nhiều hương vị núi rừng.

6.1. Vịt Cổ Lũng

Đến Pù Luông Thanh Hóa thì chắc chắn không thể bỏ qua những món ngon chế biến từ vịt Cổ Lũng. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa.

Vịt Cổ Lũng còn gọi là vịt Tiến Vua, có vị thơm ngon nức tiếng gần xa

Vịt ở đây được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau nhưng ngon nhất phải kể đến món vịt quay thơm phức béo giòn khó loại vịt nào ở đâu sánh bằng. Thịt vịt chín da nâu đỏ, thịt ngọt lịm, mùi thơm quyến rũ riêng khiến du khách không bao giờ quên.

6.2. Cá suối nướng

Cá bắt được làm sạch đem ướp gia vị. Gia vị thường là những nguyên liệu có sẵn ở núi rừng như: mắc khén, rau thơm rừng, ớt, sả, …trộn với muối. Lấy dao khứa chéo phần thân ngoài cá rồi tẩm các gia vị chừng vài phút, cuộn cá với rau thơm, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro ủ nóng đến khi cá chuyển sang màu vàng, dậy mùi thơm là đã chín.

Cá suối nướng là một món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn

Thưởng thức cá suối nướng chấm muối ớt ăn cùng với xôi ngũ sắc, rượu nếp nương thì bạn khó mà quên món ăn dân dã này.

6.3. Cơm lam

Đây là món ăn vô cùng quen thuộc trong bữa ăn của người dân nơi đây. Cơm lam của ở Pù Luông có vị ngon đặc biệt bởi dùng loại gạo nương có hạt to, mẩy, trắng và có mùi thơm, một món ăn rất giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của tre, nứa tiết ra, tạo nên dư vị hấp dẫn của cơm lam Pù Luông.

Cơm lam dẻo ngọt, được đựng trong ống tre và ăn kèm với thịt nướng thơm ngon

6.4. Gà đồi

Gà được người dân nuôi thả tự nhiên, chạy rông và ăn thóc nên thịt gà ở Pù Luông sẽ rất thơm và ngọt. Gà loại này đem luộc rồi ăn lúc còn nóng, chấm cùng các loại gia vị của người dân địa phương thì ngon tuyệt vời. Ngoài ra, cùng với cách tẩm ướp các gia vị truyền thống của người Thái, món gà nướng sẽ để lại những ấn tượng cho bất kỳ bạn nào đến Pù Luông.

Gà chạy bộ, món đặc sản thường gặp ở vùng cao

6.5. Măng đắng

Mưa phùn mùa xuân bắt đầu lắc rắc, người Thái ở Pù Luông chỉ cần vào rừng một lúc là mang về cả bồ măng. Thứ măng có vị đắng bùi, đưa vào miệng còn nhăn mặt nhưng chỉ cần nhai một lúc sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của măng.

Măng đắng là một trong những đặc sản níu chân du khách khi về với Puluong

Măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khén của người dân bản địa ăn là ngon nhất, cảm nhận được hết hương vị của núi rừng. Nếu không có mắc khén thì có thể thay thế bằng mắm tôm hoặc nước mắm pha thêm chút đường, ớt, tỏi ngon không kém. Giữa mâm cao cổ đầy, món măng đắng giản dị nhưng ăn rồi lại nghiện, ăn hoài không biết chán.

6.5. Lợn cỏ nướng

Lợn cỏ hay lợn cắp nách là vật nuôi đặc sản của người Mường. Để giữ được độ ngọt của thịt phải rửa sạch con lợn trước khi mổ lấy phần nội tạng, sau đó, phần thịt không rửa lại với nước. 

Thịt heo rừng nướng thường có vị thơm lừng lại hơi dai dai khiến cho người ta khó có thể cưỡng lại được

Thịt được pha thành từng miếng, cùng lòng, dồi đem hấp trên bếp củi, phần xương đem nấu với nõn chuối rừng. Thịt ba chỉ thái chỉ, ướp hành, nước mắm rồi quấn lá bưởi bên ngoài, kẹp vào thanh tre nướng trên than hồng. Lá bưởi quện vào thịt, dưới sức nóng của than, thịt săn vàng, toả mùi thơm. Thịt lợn chín tới, thái lát mỏng bày trên lá chuối tươi xanh. Khi ăn, chấm với muối rang và hạt dổi nướng dã nhỏ.

6.6. Rượu cần

Rượu cần Pù Luông mang hương vị cay nồng ấm nghĩa tình

Người Thái ở Pù Luông còn có món rượu cần cay nồng là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm đậm nghĩa tình. Rượu cần được làm từ men sắn và nước suối nên hương vị rất đậm đà và đặc biệt, vị cay cay ngọt ngọt khiến người uống say lúc nào không biết.

✅7. Lịch trình du lịch Pù Luông Thanh Hóa

Guồng nước là hình ảnh thân quen gắn liền với người dân bản địa ở Pù Luông

Để đến được Pù Luông, có rất nhiều lựa chọn, từ phương tiện đến lịch trình, thời gian, cung đường… Bạn có thể tham khảo một số tour du lịch Pù Luông Thanh Hóa từ 1-3 ngày như sau:

7.1. Tour 01 ngày tại Pù Luông Thanh Hóa

  • Thị trấn Cành Nàng – Làng nghề dệt thổ cẩm Lũng Niêm – Bản Kịt – Bản Nủa
  • Thị trấn Cành Nàng – Cầu La Hán – Chợ Phố Đoàn – Bản Son, Bá, Mười
  • Bản Đôn – Bản Báng – Hang Dơi – Bản Kho Mường
  • Chùa Giổi, Ái Thượng – Thủy điện Bá Thước 2 – Thác Dần Long
  • Chùa Ông – Hang Phi – Hồ Vinh Quang – Bản Hang
  • Suối Tôn – Hang Ma – Bản En – Bản Hang

7.2. Tour Pù Luông Thanh Hóa 02 ngày 01 đêm

  • Ngày 1: Hà  Nội – Mai Châu – Pù Luông: Đi bộ qua các bản và chèo bè tre trên dòng sông Chăm
  • Ngày 2: Khám phá Pù Luông: Đi bộ tại Bản Kho Mường và Hang Dơi, khám phá văn hóa người Thái, chụp ảnh “check in” những địa điểm đẹp.

7.3. Tour 03 ngày 02 đêm liên tỉnh

  • Hà Nội – Mai Châu (Hòa Bình) – Bản Hiêu – Bản Đôn
  • Hà Nội – Mai Châu (Hòa Bình) – Bản Son, Bá, Mười – Bản Nủa
  • Hà Nội – Mai Châu (Hòa Bình) – Bản En – Bản Hang
  • Hà Nội – Pù Luông – Tràng An – Bái Đính – Hà Nội
  • Hà Nội – Pù Luông – Tam Cốc – Hoa Lư – Tuyệt tịnh cốc – Hà Nội
  • Thanh Hóa – Pù Luông – Ninh Bình – Thanh Hóa (đón tiễn sân bay)

Để có chuyến đi hoàn hảo, du khách nên chuẩn bị :

  • Giày đi bộ, thể thao hoặc leo núi vừa chân, thoải mái, thấm hút tốt
  • Mang thêm quần áo nếu định tắm thác Bản Hiếu
  • Mang theo thuốc men, kem chống nắng, thuốc chống nấm, chống côn trùng để khám phá rừng.
  • Nên kiểm tra theo dõi thời tiết trước chuyến đi vài ngày để tránh mưa rừng.
  • Cần bơm xăng đầy trước khi vào Pù Luông.
  • Nếu không liên hệ đặt nhà nghỉ trước được, bạn có thể đến nơi rồi mới hỏi thuê. Tuy nhiên, nếu chẳng may lỡ bước cũng có thể xin ngủ nhờ tại bất kỳ nhà dân nào mà không cảm thấy phiền, bởi đôi khi họ còn cảm thấy ngại vì sàn nhà không đủ lớn để chứa cả đoàn của bạn.
Thẻ:, , , , , , , ,

Bài viết liên quan

Liên hệ